Hãy để lại số điện thoại để nhận tư vấn
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư hình thành ở cổ tử cung, cơ quan nối giữa tử cung và âm đạo. Có nhiều loại ung thư cổ tử cung khác nhau, nhưng loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC). Loại ung thư này chiếm khoảng 80 - 85% tổng số các trường hợp ung thư cổ tử cung và thường xảy ra do nhiễm vi-rút gây u nhú ở người (HPV). Các loại ung thư cổ tử cung khác, ví dụ như ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư biểu mô tuyến-vảy, ung thư mô liên kết-tuyến, ung thư hắc tố và u lympho, thường không liên quan đến HPV và ít gặp hơn nhưng lại không có khả năng phòng ngừa như SCC.
Nhiễm HPV là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư cổ tử cung. Do loại vi-rút này có thể lây qua đường tình dục nên những phụ nữ quan hệ tình dục có nguy cơ nhiễm vi-rút cao hơn. Phụ nữ có nhiều bạn tình, hoặc bạn tình của họ có nhiều bạn tình khác, có nguy cơ cao hơn. Những phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai từ khi còn trẻ là những người có nguy cơ cao nhất.
Vắc-xin là phương pháp hiệu quả giúp chống lại các chủng HPV gây ra tới 85% tổng số ca ung thư cổ tử cung. Đối tượng của vắc-xin HPV là phụ nữ trẻ tuổi vì loại vắc-xin này chỉ phát huy tác dụng nếu được cho dùng trước khi nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, loại vắc-xin này chỉ phòng ngừa được một số tuýp HPV có nguy cơ cao, và phụ nữ được khuyên nên thực hiện xét nghiệm Phết cổ tử cung định kỳ ngay cả sau khi đã chủng ngừa.
Ung thư biểu mô tại chỗ (CIN) là một nhóm các tế bào tiền ung thư gây hại vẫn nằm “tại chỗ”, chưa di chuyển khỏi vị trí ban đầu và chưa lan sang các phần khác trên cơ thể. Tại Singapore và các quốc gia phát triển khác, chương trình kiểm tra sàng lọc cổ tử cung được sử dụng rộng rãi giúp phát hiện CIN và giảm số trường hợp mắc ung thư cổ tử cung xâm lấn.
Xét nghiệm phết cổ tử cung có thể giúp xác định CIN ở cổ tử cung, và phương pháp điều trị áp dụng tại vị trí này có thể ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Phụ nữ được khuyên nên thực hiện xét nghiệm này mỗi năm một lần sau khi bắt đầu quan hệ tình dục. Hoạt động này nên được duy trì cho đến khi 70 tuổi. Nếu 2 – 3 xét nghiệm
Phết cổ tử cung cho kết quả bình thường, người phụ nữ có thể giảm tần suất làm xét nghiệm xuống 2 – 3 năm một lần. Tuy nhiên, những phụ nữ có nguy cơ cao nên tiếp tục xét nghiệm Phết cổ tử cung hàng năm.
Không phải tất cả phụ nữ nhiễm HPV đều phát triển CIN, và không phải tất cả phụ nữ mắc CIN đều phát triển ung thư cổ tử cung. Nhiều trường hợp nhiễm HPV có thể được hệ miễn dịch chữa khỏi, giống như bất kỳ trường hợp nhiễm trùng nào khác.
Tuy nhiên, một số chủng HPV có thể trú ngụ trong cổ tử cung suốt nhiều năm, theo thời gian sẽ làm thay đổi cấu tạo gen của tế bào cổ tử cung và dẫn đến loạn sản (tế bào phát triển bất thường). Nếu không được điều trị, các trường hợp loạn sản nặng có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung xâm lấn.
CIN thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Đây là thời điểm tốt nhất để tầm soát ung thư vì việc điều trị tại thời điểm này thường cho hiệu quả cao nhất. Phết cổ tử cung là một xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả, tuy nhiên, vẫn cần thực hiện sinh thiết để xác nhận sự hiện diện của ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư. Có thể thực hiện sinh thiết khi soi cổ tử cung, một thủ thuật phóng đại hình ảnh cổ tử cung để kiểm tra bằng mắt thường thông qua sử dụng dung dịch axít pha loãng để làm nổi bật các tế bào bất thường trên bề mặt cổ tử cung. Đây là một thủ thuật ngoại trú không đau kéo dài trong 15 phút.
Các thủ thuật chẩn đoán chi tiết hơn bao gồm cắt bằng vòng điện (LEEP), sinh thiết hình nón và sinh thiết bấm.
Hiệp hội Sản phụ khoa Quốc tế (FIGO) phân loại ung thư cổ tử cung thành CIN I đến III. CIN III là giai đoạn ngay trước khi phát triển ung thư cổ tử cung. Sau CIN III nghĩa là tế bào đã tiến triển thành ung thư và sẽ được phân loại từ giai đoạn 0 (khi mới chỉ phát hiện ung thư trên vùng da) đến giai đoạn 4B (khi ung thư đã tiến triển, lan rộng). Những bệnh nhân ở đầu giai đoạn 1 muốn duy trì khả năng sinh sản có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật bảo tồn. Nếu không, bệnh nhân nên thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ cổ tử cung và một phần âm đạo thông qua một thủ thuật có tên là phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung. Bệnh nhân được khuyến nghị nên đợi tối thiểu 1 năm sau phẫu thuật trước khi cố gắng thụ thai. Do nguy cơ ung thư có thể lan sang hạch bạch huyết khi bệnh ở vào cuối giai đoạn 1, bác sĩ phẫu thuật có thể phải cắt bỏ các hạch bạch huyết xung quanh tử cung để kiểm tra kỹ hơn.
Nếu ung thư đã được cắt bỏ bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung, trường hợp ung thư tái phát ở phần còn lại của cổ tử cung là rất hiếm gặp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục thận trọng trong việc phòng ngừa và chăm sóc theo dõi, bao gồm thực hiện xét nghiệm Phết cổ tử cung định kỳ.
Các u ở giai đoạn sớm có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung (cắt bỏ tử cung) kèm theo cắt bỏ hạch bạch huyết. Có thể tiến hành xạ trị kèm hoặc không kèm hóa trị sau khi phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát ung thư. Các u ở giai đoạn sớm có kích thước lớn hơn có thể được điều trị bằng xạ trị và hóa trị. Sau đó, có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung để kiểm soát ung thư tại chỗ hiệu quả hơn.
Các u ở giai đoạn tiến triển (giai đoạn từ 2B đến 4B) thường được điều trị bằng hóa-xạ trị.
Nếu được phát hiện sớm, cơ hội sống sót khi mắc ung thư cổ tử cung có thể lên đến 92%. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót giảm mạnh nếu ung thư được phát hiện và điều trị muộn. Vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung có vai trò vô cùng quan trọng.